Top Ad unit 728 × 90

BỔ SUNG VIỆT BẮC – AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

Ngoài những kiến thức đã cho, các em cần ôn thêm những nội dung sau:


Vấn đề 1. Nội dung đoạn thơ:
“Ta với mình, mình với ta
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Gợi ý phân tích
1.Bốn câu thơ đầu, người cán bộ bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình với Việt Bắc. Đoạn thơ như một lời thề “đinh ninh hai mặt một lời song song”:
“Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”
–  Câu thơ thứ nhất có sáu chữ mà đã mất bốn chữ “ta-mình” điệp đi điệp lại. Ở đây, điệp từ “mình – ta” đảo vị trí cho nhau tạo ấn tượng về sự quấn quýt, hòa quyện giữa người đi và kẻ ở. Nhà thơ gắn kết “ta – mình” bằng liên từ “với” chứ không phải là “và”. Nếu “ta và mình” thì chắc chắn “mình-ta” mới chỉ là một cặp, còn “ta với mình” khiến cho “ta – mình” trở thành một mà thôi. Câu thơ gợi liên tưởng ca dao: “Mình với ta tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai”. Quả thật trong phút giây lưu luyến, bịn rịn ấy, tình của người đi kẻ ở đã hoà vào nhau làm một khiến cho ta không nhận ra đâu là “mình”, đâu là “ta”.
–  Câu thơ thứ hai có sử dụng hai từ chỉ thời gian: “sau trước”. Hai từ ngữ này thường được dùng trong khi muốn nhấn mạnh, khẳng định tình cảm thuỷ chung hay điều gì đó mang tính chắc chắn. Chữ “lòng” đứng trước hai từ chỉ thời gian ấy tạo nên sức nặng cho câu thơ. “Lòng” là tất cả sự chân thành, là cả tấc lòng, tấc dạ và cả sự thuỷ chung muốn hướng về. Mười lăm năm trước Ta đến đây cùng Mình chỉ một tình cảm đó, mười lăm năm sau Ta ra đi cũng chỉ tấm lòng ấy không hề đổi thay dù vật đổi sao dời. “Lòng ta sau trước” chỉ một mà thôi. Từ láy “mặn mà”, “đinh ninh” khẳng định tình cảm thủy chung, sâu nặng, trước sau không thay đổi mà bền bỉ theo thời gian. Đây chính là truyền thống ân nghĩa, thuỷ chung của dân tộc Việt.
– Ở đoạn thơ trước đó, người Việt Bắc hỏi: “Mình đi mình có nhớ mình” thì câu thơ thứ ba của đoạn thơ này là lời đáp của người cán bộ “mình đi mình lại nhớ mình”. Ở đây, từ “mình” đã có sự chuyển nghĩa: từ “mình” thứ nhất và thứ hai chỉ người cán bộ, từ “mình” thứ ba chỉ người Việt Bắc. Như vậy, không còn “ta” với “mình” nữa mà chỉ còn “mình” với “mình” thôi. Tố Hữu sử dụng từ “mình – ta” thật sâu sắc, góp phần diễn tả tình cảm sâu nặng giữa người cán bộ với Việt Bắc.
– Câu thơ cuối cùng có cấu trúc một câu thề: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Phảng phất đâu đây là lời ca nghĩa tình “qua đình ngả nón trông đình/ đình bao nhiêu ngói nhớ thương mình bấy nhiêu”. Lối so sánh ở câu thơ cuối mang nhiều ý nghĩa sâu xa: “nguồn” là nguồn cội, là gốc rễ sinh ra mọi điều tốt đẹp ở đời. Vì vậy mà phải mang ơn, mang nghĩa. Đó cũng chính là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà cha ông ta đã dạy. “Nghĩa tình” là tình nghĩa giữa cán bộ và nhân dân Việt Bắc, giữa nhân dân và cách mạng. Cách nói “bao nhiêu – bấy nhiêu” như đong đầy, như cân bằng tình cảm. Không ai đếm hết được bao nhiêu nước trong nguồn, cũng như không ai đếm hết được bao nhiêu nghĩa tình của cách mạng và nhân dân. Bởi tình cảm ấy cũng như suối nguồn kia là vô hạn tận không bao giờ vơi cạn.
2.Những câu thơ còn lại là nỗi nhớ của người về. Trước hết, người cán bộ về xuôi nhớ thiên nhiên, nhớ cảnh vật Việt Bắc:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”
– Câu thơ thứ nhất diễn tả nỗi nhớ Việt Bắc qua phép so sánh “như nhớ người yêu”. “Nhớ người yêu” là nỗi nhớ đặc biệt. Xuân Diệu từng đắm say “uống xong lại khát là tình/ gặp xong lại nhớ là mình với ta”; Tố Hữu thì “lạ chưa vẫn ở bên em/ mà anh vẫn nhớ vẫn thèm gặp em”. Từ đó cho thấy người cán bộ về xuôi mang theo nỗi nhớ Việt Bắc sâu nặng, dạt dào, tha thiết, nhớ Việt Bắc mà như nhớ một người yêu hay Việt Bắc như người tình của người cán bộ về xuôi.
– Năm câu còn lại là đối tượng “nhớ” của cán bộ. Liệt kê các hình ảnh: “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”, “bản khói cùng sương” chỉ cảnh thiên nhiên Việt bắc đẹp, thơ mộng. Nhớ những tối cùng nhau ngắm một vầng trăng lên đầu núi, nhớ một ánh nắng vàng nhuộm thắm trên nương; nhớ một “bản khói cùng sương” quyện hoà trong kỷ niệm. Câu thơ “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về” gợi hình ảnh người lao động Việt Bắc vất vả “sớm khuya”. Các từ “trăng lên – nắng chiều – sớm khuya” gợi nỗi nhớ sâu nặng, nỗi nhớ bao trùm cả thời gian.
– Hình ảnh liệt kê: “rừng nứa, bờ tre – ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê” cho thấy cảnh vật Việt Bắc phong phú, đa dạng. Cách dùng từ sâu sắc: “rừng, bờ, ngòi, sông, suối” diễn tả nỗi nhớ dàn đều, rộng khắp, nhớ từ cái lớn đến cái nhỏ. Từ “vơi đầy” vừa chỉ mực nước của sông suối, vừa gợi nỗi nhớ vơi đầy, dào dạt.
Không chỉ nhớ cảnh, người cán bộ về xuôi còn nhớ hình ảnh con người Việt Bắc:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”
–  Hai câu thơ đầu, người đi khẳng định “ta đi ta nhớ” những tháng ngày “mình đây ta đó” với những “đắng cay ngọt bùi”. Cụm từ “đắng cay ngọt bùi” là một ẩn dụ, chỉ gian khổ và niềm vui. Đây là sự gắn bó mật thiết giữa người về xuôi với Việt Bắc, cùng chịu đựng gian khổ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Bốn vị “cay – đắng – ngọt – bùi” là bốn giai âm của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc sống mà “ta” và “mình” đã cùng nếm trải. Những ai đã đi qua những năm tháng “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” thì mới hiểu, mới đồng cảm, và thương nhau thắm thiết.
–  Trong hai câu thơ tiếp, những từ “chia, sẻ, đắp cùng” gợi ra một hiện thực giản dị, người Việt Bắc luôn chia sẻ khó khăn, thiếu thốn cùng người cách mạng. Đó là tinh thần đồng cam cộng khổ để hướng đến nhiệm vụ chung.
– Hai câu cuối là hình ảnh người mẹ Việt Bắc vất vả, cần cù, giàu tình yêu thương: “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”. Hình ảnh “nắng cháy lưng” gợi lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng cũng qua đó thể hiện nỗi xót xa của nhà thơ khi nghĩ về người mẹ. Hai chữ “bẻ từng” lại gợi lên sự chắt chiu, chịu thương chịu khó của người mẹ Việt Bắc.
3.Những câu thơ còn lại, người về nhớ hình ảnh chiến khu kháng chiến:
“Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa”
– Người về nhớ những tháng ngày ở chiến khu, cán bộ dạy chữ cho dân, cùng vui những đêm liên hoan văn nghệ. Nhớ những ngày tháng ở cơ quan, dẫu gian nan nhưng luôn lạc quan, “ca vang núi đèo”. Đặc biệt, nhớ Việt Bắc là nhớ âm thanh đặc trưng là “tiếng mõ rừng chiều” và tiếng “chày đệm nện cối đều đều suối xa”. Âm thanh ấy gợi lên vẻ đẹp thanh bình, yên ả ở Việt Bắc.
–  Ba câu lục đều có điệp từ “nhớ sao” có dáng dấp của những câu hỏi, thể hiện nỗi nhớ da diết, không thể nào quên của người cán bộ, chiến sĩ khi rời chiến khu Việt Bắc.
 4. Tổng kết nghệ thuật: Cả đoạn thơ, tác giả sử dụng điệp từ “nhớ” với cách kết hợp từ linh hoạt: “nhớ gì…nhớ từng…ta nhớ…nhớ người…nhớ sao”, cùng thể thơ lục bát có âm điệu sâu lắng, đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ, tình cảm sâu nặng của người cách mạng đối với cảnh và người Việt Bắc.

Đề ra: Có ý kiến cho rằng: Việt Bắc cũng rất tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu và nghệ thuật thể hiện giàu tính dân tộc”. Anh/Chị hãy chứng minh ý kiến trên .
HƯỚNG DẪN
MỞ BÀI: nêu vấn đề và dẫn ý kiến vào.
THÂN BÀI
  1. Giải thích ý kiến: “giọng tâm tình ngọt ngào” là giọng điệu riêng của Tố Hữu được thể hiện trong cách xưng hô, trong tình cảm thân mật, gần gũi. “Tính dân tộc” là việc nhà thơ sử dụng phương thức biểu đạt bằng các phương tiện mang đậm dấu ấn của dân tộc (thể thơ, lời ăn tiếng nói, hình ảnh)
  2. Chứng minh ý kiến.
2.1. Trước hết, đọc bài thơ Việt Bắc, người đọc như đang đắm say trong giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, giọng của tình thương mến:
– Bài thơ nói đến nghĩa tình cách mạng nhưng nhà thơ lại dùng giọng của tình thương, lời của người yêu để trò chuyện, giãi bày tâm sự. Cả bài thơ được viết theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca.
+ Trong bài thơ Việt Bắc, giọng điệu ấy là lời giãi bày tâm sự giữa người đi (người về xuôi) và người ở lại (đồng bào Việt Bắc). Mười lăm năm cách mạng thành “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”, người đi, người ở lại thành “mình – ta”, “ta – mình” quấn quýt bên nhau trong một mối ân tình sâu nặng:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu
+ Trong giọng tâm tình ngọt ngào của Tố Hữu thì Tố Hữu thường dùng cách xưng hô với đối tượng trò chuyện, tâm sự (Bạn đường ơi!; Hỡi người bạn; Anh vệ quốc quân ơi…) cho đến cả thiên nhiên đất nước (Xuân ơi xuân; Hương Giang ơi; Đất nước ta ơi…)
+ Trong bài thơ VB, giọng tâm tình ngọt ngào trước hết thể hiện ở cách xưng hô “Ta – Mình”  vốn là cách xưng hô gợi quan hệ gần gũi, thân mật, gắn bó… trong tình cảm lứa đôi. Nó mang sắc điệu trữ tình, đằm thắm, mặn nồng của tình cảm mà những đôi lứa yêu nhau dành cho nhau. Phần trích học trong sách giáo khoa có tới 19 chữ “mình” và 11 chữ “ta” trải đều khắp bài thơ đã tạo nên điệp khúc trở đi trở lại, luyến láy hết sức tài hoa.
– Giọng thơ tâm tình tha thiết ấy còn được tạo nên bởi sự xuất hiện hàng loạt những câu hỏi tu từ. Cả bài thơ có tới  11 câu hỏi tu từ. Những câu hỏi này đã làm cho tình cảm giữa người đi kẻ ở cứ tăng dần: mình về mình có nhớ ta ? Mình về mình có nhớ không ? Mình đi có nhớ những ngày ? Mình về rừng núi nhớ ai ?…
– Giọng thơ tâm tình tha thiết ấy còn thể hiện ở những lời bộc bạch, giãi bày giữa người đi và kẻ ở. Đặc biệt, nỗi nhớ thương vô vàn ấy đi liền với 33 từ “nhớ” làm
– Tiếng lòng nhớ thương càng thêm sâu nặng. Vì thế mà đã có nhiều vần thơ ngọt ngào đến khó quên:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
2.2. Bài thơ Việt Bắc có nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc được thể hiện trên nhiều phương diện:
– Trước hết là thể thơ lục bát truyền thống: Nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ dân tộc này và có những biến hóa linh hoạt:
    + Khi đầy ắp ân tình không kể hết:
  • “Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
    + Khi nhẹ nhàng thơ mộng:
“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương…”.
    + Lại có đoạn hùng tráng như một khúc anh hùng ca:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng…”
+ Lại có lời thơ như ca dao, dân ca trong cách so sánh ví von: “Mình đi, mình lại nhớ mình/Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu” gợi nhớ những câu ca: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói nhớ thương mình bấy nhiêu”; “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/Nhà bao nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”
–  Biểu hiện thứ hai của nghệ thuật giàu tính dân tộc là ở kết cấu: Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca. Dân ca xứ Nghệ có bài đối đáp rất hay:
    Một trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp?
Một trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang?
Một trăm thứ than, than chi không ai quạt?
Một trăm thứ bạc, bạc chi bán không ai mua?
Trai nam nhi đối đặng, gái bốn mùa xin theo.
Nam nhi đáp lễ :
    Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp ;
Một trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang ;
Một trăm thứ than, than thân không ai quạt ;
Một trăm thứ bạc, bạc tình chẳng ai mua :
Trai nam nhi đà đối đặng, gái bốn mùa tính răng?
    Trong bài thơ Việt Bắc, người đi kẻ ở đối đáp nhau. “Mình – Ta” đối đáp nhau. Đó là kết cấu mang đậm tính dân tộc. Và nhờ hình thức kết cấu này mà bài thơ đi suốt 150 câu lục bát không bị nhàm chán.
– Biểu hiện thứ ba của nghệ thuật giàu tính dân tộc là cách sử dụng hình ảnh: Tố Hữu có tài sử dụng hình ảnh dân tộc một cách tự nhiên và sáng tạo trong bài thơ:
+ Từ hình ảnh trong tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” thành “Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”; từ “chân cứng đá mềm” thành “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”.
+  Có những hình ảnh chắt lọc từ cuộc sống thực cũng đậm tính dân tộc: “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai; hắt hiu lau xám đậm đà lòng son; nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”. Và đặc biệt là hình ảnh đậm đà của tình giai cấp: “Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”.
+ Có hình ảnh thơ mộng trữ tình như: trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương; có bộ tranh tứ bình nên thơ với “Hoa chuối đỏ tươi”, “mơ nở trắng rừng”, “rừng phách đổ vàng”, “trăng rọi hào bình”.
– Biểu hiện thứ tư về nghệ thuật đậm tính dân tộc là ở ngôn ngữ: tính dân tộc thể hiện rõ nhất trong cặp đại từ nhân xưng “ta – mình, mình – ta” quấn quýt với nhau và đại từ phiếm chỉ “ai”. Đây là một sáng tạo độc đáo và cũng là một thành công trong ngôn ngữ thơ ca Tố Hữu.
– Biểu hiện thứ năm về nghệ thuật đậm tính dân tộc là ở nhạc điệu: Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc từ thể thơ lục bát: nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa, sáng tạo, không đơn điệu.
3 Bình luận ý kiến:
– Khẳng định ý kiến đúng.
III. KẾT BÀI
Đề ra: Có ý kiến cho rằng “Việt Bắc là bản tình ca mà cũng là bản hùng ca kháng chiến”. Anh/chị hãy làm rõ ý kiến trên qua việc phân tích bài thơ “Việt Bắc”.
DÀN Ý
I.Mở bài
II. Thân bài
  1. Giải thích:
– Bản tình ca: là khúc ca ca ngợi nghĩa tình cách mạng giữa nhân dân và cán bộ.
– Khúc hùng ca kháng chiến: không khí kháng chiến và tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp.
  1. Nội dung
2.1. Bản tình ca
– Phân tích 8 câu đầu làm nổi bật cuộc chia tay lưu luyến, bịn rịn giữa người đi và kẻ ở.
– Cảm nhận và làm rõ sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi giữa nhân dân và cách mạng: (chung chịu thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội; kham khổ thiếu thốn vật chất; chia sẻ vui buồn – đắng cay ngọt bùi)
– Tình cảm thuỷ chung của người đi và lòng biết ơn sâu nặng dành cho nhân dân (phân tích nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi với tình cảm “nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”)
2.2. Bản hùng ca
– Ca ngợi không khí kháng chiến qua mối đoàn kết giữa con người và thiên nhiên “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
– Ca ngợi những chiến công: “Nhớ sông Lô nhớ phố Ràng/ Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhị Hà”
– Vẻ đẹp hùng vĩ và lãng  mạn của những đoàn quân ra trận “Những đường VB của ta… đèo De, núi Hồng”.
* NGHỆ THUẬT (đã dạy)
  1. Bình luận
– Khẳng định ý kiến đúng.
III. Kết bài

LƯU Ý BÀI SAU LÀ KHÔNG ĐƯỢC BỎ

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

(Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Đề số 1. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của Sông Hương qua đoạn trích: “Trong những dòng sông đẹp … bát ngát tiếng gà”
                                                HƯỚNG DẪN
  1. Mở đầu tác giả khẳng định: “trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến hình như chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Trong lời mở đầu nồng nàn ấy, tác giả đã đặt vị trí của sông Hương ngang bằng với những “dòng sông đẹp” của thế giới – nhưng trên hết tác giả khẳng định rằng “chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Lời khẳng định ấy cũng chính là niềm tự hào của tác giả về dòng sông quê hương – dòng sông thi ca đất mẹ. Thầy Phan Danh Hiếu
  2. Đằng sau lời khẳng định ấy, tác giả đã nhân cách hóa, sử dụng bút pháp miêu tả kết hợp nhiều động từ mạnh làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương ở đại ngàn. Sông Hương ở thượng nguồn có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Bằng vốn am hiểu địa lý, cấu trúc lãnh thổ cũng như am hiểu địa hình, tác giả đã làm hiện lên thật sống động hình ảnh của sông Hương ở rừng già. Trong cái nhìn của nhà văn, Sông Hương hiện lên như một “cô gái Di Gan phóng khoáng và man dại”. Dòng chảy ấy được tác giả so sánh ví von như một điệu múa của cô gái Di Gan, một vũ khúc giữa rừng già: “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại, ngàn mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Câu văn kéo dài được ngăn cách bởi những dấu phẩy tạo thành kiểu câu phức trùng điệp. Sông Hương qua những câu văn ấy thật đẹp. Hai nét tính cách hùng vĩ và thơ mộng đan cài dệt nên chất thơ, chất hùng của dòng sông mang tên một người con gái. Chỉ mấy lời văn mà tác giả đã huy động một loạt tính từ, động từ, phép so sánh, nhân cách hóa… làm dòng sông trở nên sinh động, có hồn cốt: tác giả gọi Sông Hương là “bản trường ca”, “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy”, “bí ẩn”… nhưng đằng sau nét dữ dội hùng vĩ ấy chính là một sông Hương thơ mộng trữ tình với mái tóc thướt tha, kiều diễm, bung nở “giữa những dặm dài” và “cài lên màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng” làm náo nức lòng người. Thầy Phan Danh Hiếu
          Sông Hương không chỉ có ngoại hình “phóng khoáng và man dại” mà còn hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ. Trường Sơn và sông Hương có mối tình “nửa cuộc đời” khăng khít, bền chặt. Chính vì có nửa đời gắn bó với Trường Sơn mà sông Hương đã được đại ngàn ban cho “một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Cũng chính rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng của người con gái để khi ra khỏi rừng già Trường Sơn, sông Hương nhanh chóng mang một “sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”. Ngòi bút giàu chất thơ lai láng của Hoàng Phủ Ngọc Tường quả có sức ru lòng người. Nếu trước đó sông Hương hiện lên với những từ ngữ góc cạnh, dữ dội “cuộn xoáy, mãnh liệt, rầm rộ” làm toát lên nét linh thiêng, hùng vĩ của dòng chảy thượng nguồn, thì ở đây nhiều tính từ mĩ miều đã xuất hiện để tôn vinh vẻ đẹp trời phú của Hương giang: “dịu dàng, trí tuệ, người mẹ phù sa”…Những mỹ từ ấy cũng đã góp phần tô đậm thêm nét nữ tính, yêu kiều của nàng Hương đắm say và bí ẩn. Thầy Phan Danh Hiếu
          Vẻ đẹp cô gái Di gan ấy quả thực khó đoán biết, vì mỗi một trường đoạn  nàng Hương lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Khi ra khỏi Trường Sơn, dòng sông đã “đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Từ đây nàng khoá chặt tâm hồn thẳm sâu của mình “không muốn bộc lộ” và tiếp tục cuộc hải trình đi tìm người tình nhân của mình. Thầy Phan Danh Hiếu

          Có đoạn, tác giả thêm cái tôi của mình vào để bàn luận: “nếu chỉ mải mê ngắm nhìn khuôn mặt kinh thành, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua”. Lời trữ tình ngoại đề như thể một chút thanh minh cho cô gái Hương giang, vừa như toát lên vốn am hiểu sâu sắc thuỷ trình của dòng sông thơ mộng. Từ đây ngòi bút của nhà văn tiếp tục xuôi dòng về Châu Hoá – cánh đồng phù sa bãi bồi và đầy hoa dại.
  1. Khi chảy qua miền địa hình đồng bằng, tác giả ví von sông Hương giống như “một người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”.
          Ở đoạn văn tiếp theo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả Sông Hương ở điểm nhìn vừa xa vừa gần.  Ở những điểm nhìn xa, sông Hương hiện lên đẹp ở những đường cong quyến rũ. Rời xa vùng núi, sông Hương chuyển dòng một cách liên tục.  Sự chuyển dòng này tạo nên “những khúc quanh đột ngột” mà nhà văn gọi đó là “một cuộc tìm kiếm có ý thức” về người tình tương lai. Vì chưa tìm thấy đường về nên cô gái đã tự mình đi tìm người tình nhân ấy. Vô tình cuộc tìm kiếm đã tạo nên cho dòng sông một vẻ đẹp thơ mộng trữ tình.  Sông Hương thật gợi cảm biết bao dưới ngòi bút của nhà văn, đó là dòng sông uốn khúc như “những đường cong thật mềm”, có lúc “mềm như tấm lụa”. Đẹp nhất của đường cong mềm mại, thướt tha ấy của cô gái Hương Giang chính là đoạn “Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Đoạn văn sử dụng phép liệt kê: điện Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thiên Mụ… mang đến cho người đọc hình dung về vẻ đẹp của những danh thắng Huế đô đã đi vào dư địa chí. Ngoài ra cách dùng từ ngữ của nhà văn cũng gợi hình dung về dòng chảy trữ tình của con sông: “vấp – chuyển hướng – vòng qua – vẽ một hình cung – ôm lấy – xuôi dần…”. Hệ thống từ ngữ đặc tả dòng chảy ấy làm sông Hương hiện lên chân thực, sắc nét, có hồn như một sinh thể sống động và giàu sức sống.
          Nhà văn quan sát ở điểm nhìn gần hơn và cảm nhận được “từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm”. Đi trong “dư vang” là đi trong âm vang, trong sự vang vọng của đại ngàn Trường Sơn. Dòng chảy ấy dù uốn quanh, lượn vòng nhưng lưu tốc vẫn còn mạnh mẽ khó kiềm toả. Nhưng khi về đến những Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo, dòng sông đã phần nào được kiềm chế sức mạnh. Từ đây chỉ còn sắc nước xanh thẳm, hiền hoà. Sắc xanh thẳm của nước hoà vào bóng dáng hùng vĩ của “hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo” tạo nên vẻ đẹp như bức đồ hoạ mà ca dao người Huế từng ngợi ca “Đường vô xứ Huế quanh quanh – Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”. Sắc nước hoà vào sắc núi, sắc đồi và ánh chiếu lên bầu trời Tây Nam thành phố cái sắc màu chỉ riêng Huế mới có: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Cái sắc màu không trộn lẫn ấy có lần cũng đã thổn thức trong thơ của Đoàn Thạch Biền:
Đã bốn lần đến Huế
Vẫn lạ như lần đầu
Sông Hương lơ đãng chảy
Nắng tím vướng chân cầu
  1. Không chỉ vậy, Hương Giang còn đẹp bởi “vẻ đẹp trầm mặc như triết lý, như cổ thi”.
          Giữa đám quần sơn lô xô, sông Hương như trầm mặc hẳn đi. Bởi nàng đang đi qua một “giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu“Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Dường như sông Hương khi qua vùng địa lý này đã cúi đầu tưởng niệm những anh linh đã khuất, như tưởng niệm cả một thời dĩ vãng vàng son. Sự trầm mặc của dòng sông như nét đẹp văn hoá của người Huế vốn coi trọng yếu tố tâm linh và nhất là sự thành kính với các bậc tiền nhân. Có lẽ vì vậy mà mặt nước Hương giang bỗng trở nên phẳng lặng và kéo dài mênh mang cho đến khi hoà vào “tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”. Đó là vẻ đẹp cổ thi trầm mặc, cổ kính mà hiện đại đã đi vào thi ca, văn học của bao thi sĩ, văn nhân.
  1. Nghệ thuật:
          Sử dụng bút pháp miêu tả, nhân cách hoá, phép tu từ so sánh, liên tưởng độc đáo. Ngôn ngữ vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, chất hoạ. Giọng văn mượt mà, truyền cảm.
Đề số 2Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn: “Từ đây như đã tìm đúng đường về…mãi mãi chung tình với quê hưỡng xứ sở.
 DÀN Ý
  1. Khái quát sơ lược đoạn trước đó – Sông Hương và thượng nguồn – cánh đồng Châu Hoá.
  2. Đến ngoại ô Kim Long, dòng sông không còn mang vẻ trầm mặc, cổ thi nữa mà trở nên “vui tươi hẳn lên” vì đã “tìm thấy đường về”. Đó là vẻ đẹp chủ động của cô gái trong tình yêu.
– Cảm nhận đoạn “Từ đây…vành trăng non”: làm rõ được niềm vui của Hương giang khi tìm đúng đường về thành phố tương lai mà cũng là người tình của nó.
  1. Sông Hương chảy qua lòng thành phố Huế mang tâm trạng của một người thiếu nữ đang yêu.
– Sự e thẹn, ngượng ngùng khi gặp thành phố Huế “đường cong ấy làm cho dòng sông thật mềm như tiếng vâng không nói ra của tình yêu”.
– Vẻ đẹp trầm mặc khi chảy qua lòng thành phố Huế và những chi lưu.
– Nhà văn liên tưởng đến những dòng sông khác trên thế giới để tô đậm vẻ đẹp có một không hai của Hương giang.
– Từ cảm xúc của một người xa xứ lâu năm, nhà văn nói về nỗi nhớ sông Hương cùng điệu chảy slow tình cảm Huế.
– Dòng sông bỗng lãng mạn hơn bao giờ hết bởi nó gắn liền với sinh hoạt văn hoá Huế: “có thể cảm nhận được bằng thị giác…của một nỗi lòng”.
  1. Sông Hương gắn liền với âm nhạc cổ điển Huế
– Nhà văn nhân cách hoá Hương giang như một “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” và liên tưởng thú vị đến “Tứ Đại Cảnh” – một thiên nhạc huyền thoại mở đầu cho nhã nhạc cung đình Huế.
  1. Sông Hương chung tình với kinh thành Huế như nàng Kiều một đời chung tình với Kim Trọng
– Cảm nhận đoạn “Rời khỏi kinh thành…chung tình với quê hương, xứ sở”.
  1. Nghệ thuật:
          Sử dụng bút pháp miêu tả, nhân cách hoá, phép tu từ so sánh, liên tưởng độc đáo. Ngôn ngữ vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, chất hoạ. Giọng văn mượt mà, truyền cảm.
Thầy Phan Danh Hiếu
BỔ SUNG VIỆT BẮC – AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG Reviewed by Admin on June 21, 2017 Rating: 5

No comments:

All Rights Reserved by Share 4u - Share All We Have ! © 2016 - 2021
Powered By Blogger, Designed by Kal | Blog4u | Youtube

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.